NHỮNG CỤ GIÀ Ở NƯỚC NGOÀI

Tuy mình mới ở nước ngoài vài năm, chưa đủ nhiều để hiểu cuộc sống, con người nơi đây, nhưng mình cũng may mắn được tiếp xúc với một số cụ già khá “inspiring” (tạm dịch là truyền lửa, nhiệt huyết) khiến mình cảm thấy muốn viết về họ để chia sẻ với những ai ghé qua blog của mình.

Ảnh minh hoa (Pixabay)

Cách đây vài năm, mình có đến thăm một đôi vợ chồng già, hồi đó bác trai 91 tuổi, bác gái trẻ hơn, chắc khoảng 80 tuổi. Có lần 2 bác chở mình đi chơi, bác gái dừng xe ở cổng siêu thị để bác trai vào lấy tờ báo về đọc. Hồi ấy mình trẻ người non dạ, nên mang đúng suy nghĩ “người già cần giúp đỡ”. Vậy là mình đã hồ hởi bảo bác “Hay bác ngồi đây đi, để cháu vào siêu thị lấy báo cho bác”, nhưng trái với thiện chí của mình, bác lịch sự từ chối và bảo bác tự làm được. Thế là cả quãng đường từ bãi gửi xe vào siêu thi, bác cứ thế chống gậy rồi túc tắc vào siêu thị nhặt báo. Hồi ấy mình nghĩ “Trời, cụ già 91 tuổi mà phong thái thật ung dung tự tại”. Tuy nhiên, cho đến giờ mình mới để ý hình ảnh cụ già hơn 90 tuổi phải tự đi siêu thị hóa ra không hề hiếm gặp ở đây. Nhất là đối với những cụ già mà con cái ở xa.

Mình cũng từng gặp một bác khác, bác này trẻ hơn, tầm 78 tuổi. Bác lái xe đi đón mình rồi phóng vèo vèo trên đường. Mình cứ mắt tròn mặt dẹt hỏi bác sao bái lái xe tự tin thế. Bác trợn mắt nhìn mình “Thế cháu tưởng bác già lắm rồi chắc”. Bác kể bác đi du lịch với mấy hội bạn, bao giờ bác cũng “trẻ nhất hội”. Mấy cụ khác đi cùng toàn trên 80 tuổi thôi.

Bác còn chơi Game Brain training (rèn luyện trí não) mỗi tối. Nên đầu óc bác minh mẫn lắm. Mình đã ti toe mượn máy của bác để chơi thử. Tuy chỉ là mấy phép tính cộng trừ, nhân chia (khá nhanh và nhiều), vì đã lâu ko dùng đến đầu óc nên kết quả tốc độ tính toán của mình hồi đó được xếp hàng cyclist (người đạp xe), còn tốc độ của bác là plane (lái máy bay). Bác động viên mình chịu khó luyện tập là sẽ đạt đến trình độ của bác. Bác còn khoe với mình 3 quyển album sưu tập lại ảnh những nơi bác đã đi qua. Bác gọi đó là “Bucket list” (Danh sách những việc một người muốn làm trước khi qua đời). Ở tuổi 78, bác rất hài hước, hay pha trò, kể chuyện vui. Bác kể với mình bác không có con cái, cũng không lấy chồng. Nhưng chị gái bác có 2 người con, không may chị gái bác bị tai nạn mất sớm, nên bác thay chị chăm sóc 2 cháu. Giờ 2 cô cháu đã lớn và lập gia đình, 2 cô cháu quý bác như mẹ đẻ. Bác ở 1 mình, nhưng bác vẫn hội hè với các bạn bè trong nhà thờ và đi làm công quả từ thiện. À, bác còn từng là bệnh nhân bị ung thư vú, bác đã phải phẫu thuật cắt bỏ 2 bên ngực, một bên cách đây 20 năm, 1 bên cách đây tầm 2 năm. Mình không giấu nổi sự trầm trồ thán phục với đức tính lạc quan yêu đời và hài hước của bác. Rồi được bác tiết lộ hồi bác nằm viện điều trị ung thư, lúc bác ra viện, các cô y tá, bác sỹ và bênh nhân trong phòng cứ khóc và tiếc mãi vì bác ra viện rồi, lấy ai pha trò cho cả phòng cười.

Với mình, Bác là tấm gương về sự yêu đời và lạc quan. Hồi đó tuy gặp bác rất ngắn ngủi, nhưng mình cảm thấy thời gian như dừng trôi. Mình ngưỡng mộ bác rất nhiều và từng đặt ảnh bác làm hình nền trong điện thoại để nhắc nhớ bản thân về 1 người phụ nữ nhân hậu, lạc quan và vui tính.

Lại nhớ đến ông bà nội của chồng, ông nội năm nay 99 tuổi, bà nội 90 tuổi. Mặc dù tuổi cao và ông bà cũng già yếu rồi, nhưng hầu như ông bà cũng tự làm mọi thứ, tự nấu nướng, dọn dẹp đồ ăn. Chưa bao giờ mình thấy ông bà nhờ vả gì con cháu hay mẹ chồng mình. Bố chồng mình mất vài năm trước và là con trai duy nhất nên từ ngày bố chồng mất thì ông bà toàn tự lo liệu. Hồi cách đây 3 năm, lúc ấy ông 96 tuổi, 2 vợ chồng về thăm ông bà, ông vẫn đóng tạp dề rồi chuẩn bị cơm cho 2 đứa. Hồi ấy, mình đã hỏi chồng tại sao ông bà không để hai vợ chồng mình giúp? Chồng chỉ bảo “Ông bà thích tự làm mọi thứ. Với cả đây là nhà của ông bà, mình chỉ là khách đến chơi”. Mình bảo với chồng “Ở Việt Nam, con cháu mà về thăm ông bà là phải nấu cơm cho ông bà chứ không phải ngược lại như thế này đâu”. Tuy nhiên, 2 năm trước, ông bị ngã gãy xương hông phải phẫu thuật. Từ dạo đó ông yếu đi nhiều. Nên để tránh làm phiền ông bà, 2 vợ chồng thường về thăm ông bà sau giờ cơm trưa. Tuy ông bà già cả như vậy, nhưng chưa bao giờ mình thấy ông bà nhờ vả gì con cháu. Mà kể ông bà có nhờ vả, cũng ko biết có ai giúp được gì ko. Vì cuộc sống ở bên này khá bận rộn và biệt lập. Chồng mình đi làm tối ngày, có những đêm trực muộn, hay ca kíp vào cuối tuần, em chồng cũng tối mắt tối mũi bận chăm con. Và cơ bản là con cháu ông bà đều ở xa, cách ông bà khoảng 2-3 tiếng lái xe, không ai ở gần ông bà cả.

Hôm vừa rồi mình gặp bác hàng xóm. Hai bác bảo mình trong tương lai gần, các bác sẽ bán nhà và chuyển về một vùng nông thôn nào đó để ở. Nhưng hiện tại hai bác vẫn chưa chuyển nhà vì bố mẹ bác gái đang ở gần đây. Tuy nhiên, hai ông bà cũng đã già, một người 92, một người 93 tuổi và có vẻ khá yếu rồi. Giáng sinh năm ngoái ông phải nhập viện nên hiện giờ ông đã yếu đi nhiều. Điều đặc biệt là hầu như ông bà vẫn tự làm hầu hết mọi thứ trong nhà, chỉ thuê người dọn nhà 4 tiếng 1 tuần. Còn cơm nước, tắm giặt ông bà vẫn tự lo. Mình hỏi ông bà có nhờ vả gì 2 bác không. Bác bảo “Có, nhưng ít lắm. Ông bà toàn tự lo hết, mặc dù ông bà ở chỉ cách hai bác tầm 2-3 km”. Rồi hai bác bảo “Ông bà bướng lắm, không chịu thuê người giúp, không chịu nhờ vả các con, cũng không chịu vào viện dưỡng lão ở vì họ vẫn thích độc lập và vẫn muốn tự lo cho bản thân”. Thực ra mình được biết, ở viện dưỡng lão bên này cũng rất đắt, tầm 800 bảng 1 tuần. Nên không phải ai cũng có khả năng chi trả.

Nhìn cuộc sống của các cụ như vậy, đôi khi mình vừa thấy ngưỡng mộ lại vừa ái ngại. Ngưỡng mộ vì tính tự lập, lạc quan và luôn cố gắng tự làm mọi thứ, bác hàng xóm nhà mình gọi đó là “sự bướng bỉnh của những người già thế hệ cũ”. Một sự bướng bỉnh đôi khi mang cả tính tự tôn vì họ không muốn làm phiền bất cứ ai, không muốn ai vì mình mà phải vất vả. Nhưng đôi khi mình cũng thấy ái ngại thay cho họ. Vì đã già cả rồi mà vẫn phải lọ mọ tự làm mọi thứ.

Tuy không phải người già nào ở đây cũng đều có những tố chất như trên, nhưng có một điều là hầu hết những người tuổi thọ cao mà mình may mắn được gặp, điểm chung ở họ là họ đều có một lối sống rất healthy (tức là khỏe mạnh cả về TÂM – THÂN và TRÍ TUỆ). Có phải vì thế mà họ tuy tuổi cao nhưng vẫn rất dẻo dai, khỏe mạnh. Ở bên cạnh họ, mình đã thấy sự an lạc và bình an.