[Review sách] Lịch sử ẩm thực Việt Nam

Hôm nọ mình mượn được quyển sách dạy nấu ăn các món Việt Nam của 1 tác giả người nước ngoài – Ghillie Basan (tựa sách là “Recipes from a Vietnamese Kitchen). Quyển sách rất hay, kể chuyện lịch sử hương vị món ăn Việt.

Và có nhiều chi tiết về sự hình thành ẩm thực Việt mà chắc không phải người Việt Nam hiện đại nào cũng biết. Ví dụ mình chỉ biết Sài Gòn là Sài Gòn. Nhưng tác giả còn biết vào thế kỷ 14, Sài Gòn là 1 thị trấn có tên là Prey Nokor! Prey Nokor chịu ảnh hưởng bởi văn hóa và ẩm thực Khmer và một chút từ Ấn Độ (gia vị Ấn Độ du nhập vào Prey Nokor do Prey Nokor từng là trung tâm thương mại lớn, có bến cảng giao thương).

Từ thế kỷ thứ 18, Prey Nokor mới thuộc Việt Nam và có tên là Sài Gòn, sau này là thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ vì hoàn cảnh lịch sử như vậy nên đồ ăn trong Nam thường có vị ngọt, đậm đà, hơi cay cay và khác hẳn với vị ngoài Bắc.

Sách cũng có đề cập đến việc sử dụng thịt bò trong các món ăn Việt Nam (như phở bò, bò nhúng dấm, v.v.) có lai lịch xuất xứ từ… Mông Cổ. Khoảng thế kỷ thứ 10-11, người Mông Cổ mang quân đi chiếm đóng phía Nam, họ mang theo cả đàn gia súc của mình, trong đó có thịt bò, nhờ vậy, thịt bò sau này xuất hiện khá đậm nét trong ẩm thực Việt Nam.

Toàn bộ quyển sách được tác giả tìm hiểu và viết rất chi tiết, từ việc viết về các lễ hội của Việt Nam như tết Nguyên Đán, cúng ông Công ông Táo, hay tết Nguyên Tiêu, cúng rằm, v.v. cho đến cách chế biến các món ăn, khiến mình cảm thấy rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Không biết có người Việt Nam nào có thể viết một quyển sách về ẩm thực các món ăn trên thế giới mà khiến chính người bản địa cũng phải ngỡ ngàng, giật mình “sao họ biết tường tận thế nhỉ, như sống ở đây mấy thế kỷ vậy trời?”